Năng lượng yêu thương từ Trip #1

[1] Lo lắng

Mom: Trip ơi, mẹ lo lắng cho cái răng của con quá!

Trip: Mẹ đừng lo lắng cho Trip nữa.

Mom: Vì sao ạ!

Trip: Vì Trip vẫn đang ở đây mà!

Mình chưa hiểu điều gì đang chạy ngang dọc trong đám nơ-ron thần kinh của cậu nhóc gần 3 tuổi. Nhưng nó giúp mình thoát khỏi mớ bòng bong căng thẳng của mình. Mình chỉ biết ôm ghì lấy cái cục bông bé nhỏ ấy thôi.

[2] Buồn

Mom vu vơ: Trip ơi, tự nhiên mẹ thấy buồn quá. Giờ mẹ phải làm sao bây giờ.

Trip: Mẹ buồn mẹ nói mẹ buồn chớ sao!

Ối, vậy á. Tâm trạng mình, cảm xúc mình thế nào thì mình cứ nói thẳng ra thôi chứ có gì đâu mà thắc mắc nhỉ.

[3] Yêu

Mom: Mẹ yêu Trip nhiều quá Trip ơi!

Trip: Vì sao!

Ò, chồng mình còn chưa từng hỏi mình câu đó suốt 13 năm qua luôn.

Mom tiếp lời: Vì Trip là con trai mẹ nên mẹ yêu nhiều chứ sao!

Trip: Mẹ yêu Trip ít thôi!

Mom: Vì sao ạ?

Tự nhiên như anh tiên: Trip lớn rồi mà.

Ôi anh thanh niên 3 tuổi của tôi ơi. Anh “hay ăn, chóng lớn” về mặt thể chất thì được, còn tâm hồn anh có thể lớn từ từ hơn được không.

Advertisement

Chiếc gương phản chiếu cùng con lớn

“Chách!” tay mình đánh khẽ vào bàn tay nhỏ xíu của bạn heo khi bạn đang loay hoay cho đồ chơi vào miệng. Mình nghiêm mặt “đồ chơi ẹ, sao lại cho vào miệng”.

Ngay lập tức, bạn òa khóc và mếu “Trip đánh mẹ”, tay bạn thì vung ngay về phía mình.

Đám mây đen như đổ xầm xuống đầu mình.

Trong kí ức của mình khi lớn lên cùng những em nhỏ tầm tuổi Trip hay lớn hơn, thi thoảng sẽ có những lần bố/ mẹ nổi giận và quát “đồ mất dạy, sao dám đánh người lớn!”. Và cũng chứng kiến cảnh khi người lớn đang cầm roi dạy bảo thì bạn nhỏ sẽ đánh với lại. Lúc ấy mình cũng chỉ nghĩ được “sao em ấy hư thế nhỉ, sao lại đánh lại người lớn nhỉ”.

Cách đây không lâu một cô bạn đồng nghiệp hỏi mình “Ở nhà Trip sợ bố hay mẹ hơn? Chị có la Trip không?” Mình khựng lại một nhịp rồi tự hỏi tại sao con phải sợ một ai đó và sao mình phải la một đứa bé chứ. Vì thật ra từ trước đến giờ, “la con” là điều mình không nghĩ tới. Và tất nhiên, việc đánh con cũng chưa bao giờ nằm trong từ điển của mình.

Vậy đâu là khác biệt giữa mình và những người lớn nổi giận.

Có phải Trip là chú robot răm rắp làm theo mọi yêu cầu của mình? Hay mình là một người mẹ quá hiền lành?

Mình không nghĩ thế.

Mãi đến giờ mình mới nhận ra đó là chưa đến thời điểm tên nhóc của mình kéo căng giới hạn của người lớn mà thôi.

Dù mình mới dặn là đồ chơi chỉ chơi, không cho vào miệng. Năm phút sau, đã lục đục thấy chuẩn bị gặm nhấm. Bất giác mình đưa tay chặn hành động đó ngay lập tức. Không chỉ chặn mà là đánh làm đau con. Tay của mình là đã thực thi nhanh hơn cả suy nghĩ của mình. Bị làm đau và làm sợ nên con dừng lại ngay. Hành động của mình không làm mình thỏa mãn vì đã ngăn một việc làm không tốt của con mà làm mình thấy “đau”. Mình đau vì mình đã không kiểm soát được bản thân. Bất giác trong phút chốc mình đã đánh rơi một bài học quan trọng.

Có một chia sẻ từ một mẹ trẻ, mình đã gói vào hành trang “làm mẹ” cho mình từ lúc sinh Trip ra. Lần nọ, con bạn ấy có hành động đánh người lớn, thay cho việc mắng và đánh con, bạn chọn cách nắm lấy bàn tay bé bỏng ấy và hôn. Người mẹ cảm hóa sự bốc đồng của một đứa bé bằng sự dịu dàng. Như chiếc gương phản chiếu, nhóc con ấy đã bớt sự hung hăng hay làm những trò vui không phù hợp trong mắt người lớn.

Mình tin điều này không? Tin chứ, mình rất tin và cũng không đòi hỏi một thí nghiệm nào thêm. Sau cái phản ứng “ngay lập tức” của Trip, mình đã ôm con và xin lỗi. Nhóc cũng khóc một lúc cho bỏ ấm ức rồi mới tha lỗi cho mẹ, dù là lỗi của cả hai.

Nhìn lại, sẽ thật khó nếu ép bản thân chối bỏ cảm xúc tức giận khi sự việc không như ý muốn. Vâng, mình cũng không cố tìm cách. Cảm xúc là điều đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng. Mình chỉ học cách hiểu tâm lý của một đứa trẻ thêm một chút. Và luôn nhắc nhở, con sẽ luôn học theo mọi hành xử của người lớn một cách không chọn lọc.

Nhưng có cách nào giúp người lớn sống sót trong những thời điểm giới hạn bị thách thức không? Mình có 03 bước gợi ý:

  • Hít thở sâu: hít phình bụng to đến mức có thể, thở ra từ từ trong 3 tiếng đếm ngược (nếu vẫn còn trong khả năng chịu đựng thì bỏ qua bước này)
  • Ngồi xuống ngang tầm và nhìn vào mắt con
  • Tâm sự với con (1. Hỏi mong muốn của con, 2. “Vờ” đồng cảm với mong muốn của con, 3. Thỏa thuận/ thông báo về mối nguy hiểm). Chân thành nhưng cũng phải sài chiêu thì cuộc tâm sự mới không đi vào lòng đất.

P/s 1: Tối qua, mình nghe tiếng “chách” vào mông bởi ai đó khi tên nhóc không chịu ngồi poo poo. Mình ghim đó nha.

P/s 2: Để một đứa trẻ ăn được thịt mỡ hay sầu riêng, bạn không nhất thiết phải là tấm gương phản chiếu hai phạm trù này. Mình đã dày công nghiên cứu và đã tìm ra được chân lý, hãy tin mình. Và nếu chân lý này không đúng trong trường hợp nhà bạn thì cũng hãy yên tâm, đứa trẻ nào rồi cũng lớn và ít nhất sẽ cao bằng mình (xém tí là cô gái m52 trong thơ ca).

Những chiếc xe dừng đột ngột & Quyền của một em bé

Đang bon bon trên đường, bỗng nhiên một vật cản bất ngờ xuất hiện, bạn phải thắng két (chữ “ét” kéo dài). Chấm dứt dòng suy nghĩ đang ngược xuôi hoặc chút miên man đón chào ngày mới. Cú giật mình chiếm trọn tâm trí bạn. Sau đó sự phẫn nộ sẽ dần dần lan tỏa vì ai đó đang có hành động làm đứt gánh sự hưng phấn của bạn. Hoặc nghiêm trọng hơn là đe dọa đến tính mạng của bạn.

Bọn nhóc chưa đến tuổi để lo lắng đến tính mạng, nên sự thích thú khi đang chìm đắm trong thế giới của riêng mình là trên hết.

Đang ngồi xem cuốn truyện bị người lớn gọi đi tắm.

Đang xem dở chương trình ti vi thì bị người lớn gọi đi ăn cơm.

Đang chơi đầy tiếng cười thì bị người lớn tắt đèn bắt đi ngủ.

Và những lần bị hoặc bắt ấy đều phải là ngay lập tức như kiểu công tắt đèn. Phải là tắt đèn chứ mà như tắt chiếc laptop của người lớn (mẹ Trip) thì đã không có vấn đề để bàn.

Những người lớn thích “ngay lập tức” giống như những vật cản bất ngờ xuất hiện trên đường.

Và bọn trẻ sẽ mang cảm giác ấm ức khi bị chặn lại giữa lúc lái xe bon bon.

Cùng một kết quả cho những lần ngay lập tức ấy, có khác nhau là về cấp độ của bão nước mắt.

Thỏa thuận

Trip mới lên hai. Và những khoảnh khắc nhạy cảm ấy cũng không tránh khỏi nước mắt. Nên mình thường sẽ thông báo với chàng về việc tiếp theo và cho chàng thời gian để chuyển đổi.

Như mình sẽ thông báo “ôi ôi, trời tối rồi, mình chơi múa lân 5 phút nữa là mình đi tắm nhé. Trip đồng ý không ạ?” hay “Chúng mình sẽ xem tivi 5 phút rồi đi ăn cơm nha….À ha, chương trình ti vi sắp kết thúc rồi, mình chuẩn bị chào tạm biệt các bạn nha?”. “Trip ơi, mẹ chói mắt quá, hay mình đổi đèn chuẩn bị đi ngủ nha, Trip tắt đèn giúp mẹ được không ạ?”

Những lần thỏa thuận mình sẽ luôn ngồi/ nằm xuống ở tầm thấp của con. Nhìn vào con và tỉ tê vô cùng chân thành. Những lần tỉ tê ấy sẽ đi kèm với hậu quả thật nếu con không làm theo, nhưng không mang hàm ý đe dọa. Vì mình mong sự hợp tác win-win mà.

Thường chàng sẽ hào hứng với những thỏa thuận của mình.

Ngoại lệ

Vâng, thường là gia đình sẽ yên ấm, chứ thỏa thuận không thành công vẫn xảy ra như cơm bữa.

Một lần nọ, Trip heo ăn cơm tối mà bỏ qua cử tắm chiều. Kế hoạch như mọi hôm là chàng sẽ đi dạo sau bữa cơm tối và về tắm mát rồi đi ngủ. Nhưng hôm ấy, đi dạo về chàng đòi uống sữa. Mình thuyết phục “Trip ơi, mình uống sữa ngay trước khi đi tắm thì bụng mình sẽ chạy vòng vòng thế này này…khó chịu lắm.” Vừa giãy đành đạch vừa mếu “Trip thích bụng chạy vòng vòng… sữa Maccaaaa”. Mình tiếp tục đi vào nhà tắm, sả nước, chàng lẻo đẻo mếu máo chạy theo sau nhưng dừng không vào phòng tắm. Hôm đấy mình thấy hơi bất lực (có phần mệt) vì không thuyết phục được chàng. Quan trọng nữa là mình nghĩ mình đang làm điều tốt cho con mà tai sao con không hiểu (bệnh kì vọng mãn tính).

Mình ngồi gục đầu trên tay trong nhà tắm nhìn ra chàng heo đang đứng khóc nức nở. Hai mẹ con nhìn nhau qua nước mắt tầm khoảng 30 giây. Mình thông tư tưởng. Chạy ra, ôm chàng vào lòng. Chàng gục đầu vào vai mẹ và ấm ức. Mình đặt chàng ngồi xuống nệm và hỏi lại “Trip bình tĩnh chưa? Trip thích uống sữa phải không?” Chàng gật gật. “Vậy mình thống nhất là Trip uống sữa xong rồi 20 phút sau mình đi tắm mát nhe”. Mình ngồi ngắm chàng heo sì sụp hộp sữa. Bố chàng heo đi lên chỉ buông nhẹ câu “hai mẹ con chiến tranh xong rồi đó ah!”

Lần này, mình sai rồi. Mình sai khi bắt con phải hiểu được hậu quả của việc tắm khi ăn no. Sai khi không cho con đủ thời gian để hiểu. Sai khi không biết nhu cầu khát nước của con khi đi bộ về đẫm mồ hôi. Điều đúng đắn duy nhất chắc là mình không to tiếng hay vung tay chân với con. Chắc đó cũng là điều mình thực hành tốt nhất từ khi được làm mẹ đến giờ.

Quyền

Dường như, trong nhiều tình huống người lớn vẫn luôn cho mình quyền được đúng. Thật ra bọn trẻ vẫn nhận thức được “quyền” của mình đấy. Người lớn với vốn từ vựng đa dạng sẽ dùng chúng như vũ khí để bảo vệ mình, và bọn trẻ sẽ dùng nước mắt. Và việc thỏa thuận sẽ giúp cả người lớn và bọn trẻ thực hiện được quyền của mình.

Ngoại trừ những trường hợp nguy hiểm đe dọa đến cơ thể con hay người khác – như chơi vật sắt nhọn, chạy nhảy ngoài đường, đến gần ổ điện, ném đồ vật gây sát thương… – cần có sự can thiệp ngay lập tức, mình luôn cho con thời gian để chúng mình có thể kí kết được thỏa thuận.

Trip dạy cho mình bài học về sự “tôn trọng quyền của một em bé”.

“One size does not fit all” – mỗi bạn nhỏ, một tính cách. Nên mình giữ nguyên tắc và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với tính cách của Trip.

*Mình thầm cảm ơn những người lớn trong nhà đã cho hai mẹ con không gian riêng để khóc cùng nhau và hiểu nhau.

Một bài viết cũ

26.6.2020

Có vẻ mình đã thất bại trong việc khiến bạn đồng hành của mình yêu thương mình. Vốn dĩ việc yêu cầu người khác thay đổi chưa bao giờ dễ dàng. Khi mình đang muốn họ lại càng chống cự, khiến cho cái tôi của mình ngày càng bị tổn thương. Và mong muốn gây chiến của cái tôi ấy ngày một lớn dần.

Dưới một góc nhìn nọ mình rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ của ông xã trong việc chăm sóc gia đình. Và dưới góc nhìn khác có lẽ mình đang bỏ bê gia đình chăng? Anh lo việc đi chợ mỗi sáng, lo các bữa ăn mình mang đến công ty. Các vật dụng, đồ dùng trong nhà cũng như cho con một mình anh chạy ngược xuôi mua sắm. Anh giữ tiền ăn đóng góp, nên mọi thanh khoản đều một tay anh xử lý. Mọi chuyện cứ mặc định như thế trong suốt hơn một năm qua. Mãi gần đây., khi hai vợ chồng mâu thuẫn, mình cảm nhận có lẽ anh mệt rồi. Các bữa ăn không còn vị yêu thương, chỉ chan đầy gia vị trách nhiệm. Ở nơi làm, gần đến giờ cơm, cứ nghĩ đến món ăn mình lại cảm giác ngao ngán.

Ngày hôm qua trở về nhà, nhiều khoảnh khoắc mình thấy anh ngồi thừ người, ánh mắt mệt mỏi. Chúng mình vẫn chưa hết giận nhau nhưng lúc ấy mình thấy thương anh. Mình cảm thấy hối hận vì đã để cái tôi lấn ác quá nhiều, khiến mình quên mất cách yêu anh. Trong lúc ngồi giặt quần áo cho bạn heo con, mình tự hứa sẽ tập yêu anh nhiều hơn. Thế rồi, trong lúc ngồi chơi cùng con, chẳng may tay con bị xướt và chảy máu. Mình luống cuống vì không có gì để băng bó cho con, chỉ biết kêu lên “chảy máu rồi, chờ mẹ tí nhé”. Anh ngồi gần đó nhưng vẫn điềm tĩnh xem điện thoại. Mình phải hét lên “chồng”, rất chói tai. Anh đi tới. Và mọi quyết tâm của mình lại sụp đổ trước khi bắt đầu.

Mình không muốn nhắc lại quá nhiều điều khiến mình đau lòng, nhưng có lẽ nó giúp mình nhẹ lòng để chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới. Mình sẽ quay về với châm ngôn “yêu bản thân trước khi muốn người khác yêu mình.” Mình cũng không ép buộc bản thân phải thay đổi tất cả cùng một lúc. Mình bắt đầu với những kế hoạch giúp mình khỏe hơn, vui hơn mỗi ngày.

Mình trau chuốt lời nói. Khi giận việc làm chủ bản thân là cuộc chơi rất khó giành phần thắng. Nhưng mình đã giành chiến thắng vài trận gần đây, nhất là từ sau khi đọc cuốn “Ba người thầy vĩ đại. Đáp án rất đơn giản “lời nói tổn thương mình sắp nói ra có giải quyết được vấn đề gì không?”. Nếu có mình sẽ không chần chừ. Còn nếu không mình sẽ chọn giải pháp khác. Im lặng là giải pháp mình hay dùng trước đó. Còn hôm nay, mình đã biết dùng câu có mùi vị ngọt ngào hơn, răn đe nhưng không gây tổn thương. Và chồng đã mở lòng với mình. Bất ngờ về mình đã điềm tĩnh, và bất ngờ vì chồng đã sẻ chia.

Mình san sẻ việc nhà. Mình đã bắt đầu lên danh sách thực phẩm để lên món ăn cho gia đình. Vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa đảm bảo đa dạng thực đơn. Mình sẽ xin chịu trách nhiệm phần đi chợ. Bắt đầu là tuần 3 bữa. Khoảng 01 tháng mình sẽ cân nhắc tiếp tục duy trì hay nhận hoàn toàn luôn.

Mình san sẻ thời gian bên con. Bình thường cả hai vợ chồng đều xa con. Về đến nhà đều muốn bên con mọi phút giây. Nhưng có lẽ mình tham quá, ít khi cho hai bố con ở riêng với nhau. Tối qua mình đã nhận ra, và cho hai bố con được đi ị cùng nhau. Mình sẽ cố gắng hơn.

Mình chăm sóc bản thân. Mình sẽ chạy bộ trở lại. Mục tiêu cho tháng sắp tới là ba buổi mỗi tuần. Sau đó sẽ là cân nhắc bài tập phù hợp. Mình mua thêm 03 bộ quần áo để mặc ở nhà thay cho những bộ đã đầy vết châm kim từ ngày sinh con.

Hôm nay, mình mới chỉ lón nhón ngón chân vào kế hoạch cái cách bản thân. Cố gắng!

Những thanh âm lay động từ phòng mổ

…Oe oe

Đó không phải là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một cuộc sanh, nhưng là lần đầu quan sát khi đang có một sinh linh bé nhỏ đang ở trong tôi. Nhiệm vụ của tôi chỉ đơn giản là chọn một vị trí phù hợp – tránh ảnh hưởng nhất đến kíp mổ – và theo dõi. Mắt nhìn, tai nghe, tay ghi chép. Nhưng tâm trí tôi không thể ngăn mình ngừng hình dung đến viễn cảnh rồi một ngày không xa, người nằm trên bàn mổ kia là bản thân mình. Những âm thanh của phòng mổ gõ nhịp lạnh lẽo. Người chồng không ngừng ngồi vuốt mái tóc cô vợ để động viên. Bất động – có lẽ là từ vẹn nguyên nhất để mô tả cảm xúc của tôi lúc ấy. Cho đến khi bác sĩ mang được em bé đỏ hỏn ra khỏi bụng mẹ. Tôi thở phào nhẹ nhõm và nước mắt thì rơi lả chả. Chào mừng bé con đến với thế giới. Trao bé con cho bác sĩ nhi sơ sinh, kíp mổ lại tiếp tục chăm sóc cho người mẹ và hoàn thành phần việc còn lại cũng mình. Và từ hôm nay sẽ là sự bắt đầu thật khác.

Tôi lại tưởng tưởng cảnh lần đầu tiên được gặp con. Ấy vậy mà đến lượt mình, vì chiếc cột sống bị vôi hóa, sanh thường chuyển mổ, tôi được chụp mê không biết đất trời gì. Sau sáu tiếng đánh vật trong phòng hồi tỉnh, tôi được gặp một tên nhóc với đầu tóc bù xù lạ hoắc. Tôi lại bất động cảm xúc.

Những tưởng tôi đã chai. Cho đến khi trở lại công việc, mắt tôi vẫn ngấn lệ và tim tôi vẫn run lên khi nghe tiếng “oe oe” ấy.

…Sụt sụt

Chiếc ống được nối với chiếc bình để ở cạnh giường bệnh nhân. Dòng vật chất lẫn màu máu chạy những nhịp không đều đặn vào chiếc bình. Âm thanh phát ra từ mỗi đợt hút gây đau nhói cho những người chứng kiến-nhạy cảm. Dù đó là sự quyết định của chuyên môn hay của cá nhân thì nó cũng là một lựa chọn không mấy dễ dàng. Tôi vẫn chọn một vị trí ít ảnh hưởng đến kíp mổ nhất và làm nhiệm vụ của mình. Suy nghĩ của tôi lại có dịp lạc bước. Tôi lại nghĩ đến tên nhóc tì ấy. Mi mắt tôi lại nhòe đi. Kíp mổ thực hiện phần kiểm tra trước khi rời phòng mổ. Bệnh nhân được đánh thức. Và từ hôm nay sẽ là sự bắt đầu thật khác.

Trân trọng. Những con người thầm lặng màu áo xanh ấy. Dù trong tình huống nào họ luôn cố gắng để mang lại sự bắt đầu hoàn hảo nhất cho bệnh nhân của mình.

Nếu có sự nhẫm tính thì phòng mổ chắc là nơi nước mắt được tôi đầu tư nhiều nhất ở nơi tôi làm việc. Có những lần là sự rung cảm và cũng có lần là của sự ấm ức. Công việc không phải lúc nào cũng màu hồng. Bác ấy giật tờ báo cáo trên tay tôi và ghi chữ “FAKE” thật to bên cạnh những nhận xét của tôi. Tôi giữ mình thật bình tĩnh để bước ra khỏi phòng mổ. Đến khi gặp được sếp của mình tôi òa khóc như một đứa trẻ. Lúc ấy sự nghi ngờ bản thân choáng hết mọi suy nghĩ trong tôi “liệu công việc tôi đang làm là vô ích?” Sếp chẳng khuyên tôi dừng khóc, chỉ đưa giấy để tôi không bôi trét nước mắt nước mũi lung tung và sếp bắt đầu kể chuyện. Tôi vẫn khóc, sếp vẫn kể. Chỉ khi ánh mắt tôi bất giác nhìn đâu khác sếp sẽ dừng lại và bảo “nhìn tôi này”. Qua các câu chuyện từ việc bị đe dọa sa thải đến việc bị tấn công bằng vũ khí của sếp, tôi mới nhận ra bài học về tờ tiền bị vò nát dạo trước sếp kể mà mình vẫn cười khẩy vì đã nghe cả ti tỉ lần vẫn chưa được tôi áp dụng vào cuộc sống. Tôi rời khỏi phòng sếp với đôi mắt sưng húp và những từ khóa được gói gọn trong tâm trí “Believe yourself and design your life”.

Phòng mổ vẫn còn đây nhưng sếp đã chọn vào một “bộ sưu tập đá quý khác”. Sự trân trọng và biết ơn sẽ là bạn đồng hành cùng tôi mỗi ngày

Cuộc chiến

Bên con luôn là những giây phút mình biết trân trọng thời gian nhất. Từng phút giây. Nhưng không hẳn lúc nào cũng chỉ có tiếng cười. Khi con lớn dần, việc thể hiện sự thích thú hay không ưng bụng ngày càng rõ nét. Và hậu quả của những lần “không ưng bụng” là những tiếng ha hét ỏm tỏi, những giọt nước mắt và mồ hôi. Ah, bố mẹ lao vào “cuộc chiến” mà phần thua luôn được đặt sẵn về phần mình. Nhưng không vì thế mà bố mẹ giảm nhiệt huyết, lại còn sẵn sàng tham gia quyết liệt vì lí do duy nhất “muốn tốt cho con”.

Chuyện đi poo poo

Con về nhà ngoại, lạ nhà vệ sinh. Con nhín việc đi poo poo lại, vài hôm thì việc đi khiến con đau nên con lại thêm phần khó khăn. Bố mẹ lo nên cố bể ngồi để con đi được dễ. Phần nữa vì con tập bỏ bỉm ngày nên lại sợ con ị đùng ra nhà. Cuộc chiến nhà vệ sinh bắt đầu từ đấy. Bố mẹ tìm cách khác, chuyển sang chiếc bô xinh để con không phải vào toalet. Con sợ rồi cũng không chịu ngồi. Mồng một tết, bố mẹ cùng con chiến đấu với chiếc bơm thụt tháo hậu môn. Chuyện rồi cũng xong, bố mẹ thở phào nhẹ nhõm vì giữ cho con không bị táo bón. Nhưng con lại nhận được sự sợ hãi trong việc đi poo poo. Cuộc chiến hai bên đều ngã ngựa.

Chuyện uống vitamin

Từ sáu tháng tuổi con bắt đầu ăn dặm, mẹ cũng rón rén cho con ăn theo phương pháp “tự bốc”. Cố gắng đảm bảo có đạm, tinh bột, vitamin cho con từ thực phẩm. Nhưng không vì thế mẹ yên tâm con đủ chất, nhất là khi anh Ngáo đi xét nghiệm về bị thiếu sắt. Thế là mẹ cũng trang bị thêm cho con chai vitamin tổng hợp vị cherry. Mẹ nếm thử thì vị đậm và ngọt. Thêm cái lọ bổ sung DHA dầu cá nữa, vị tanh và béo. Mỗi ngày mẹ đều căng thẳng khi đến việc cho con uống. Hơi sai lầm khi cho con tiếp cận thời điểm con đã nhận ra mùi vị rõ ràng. Và cả con biết phản kháng khi không ưng bụng. Những lần đầu mẹ đã sai khi gồng mình ép con uống. Mỗi lần uống là con khó chịu, từ chối. Càng mím môi mẹ lại càng mất kiểm soát và càng cố để đưa lượng ấy vào miệng con cho bằng được. Kết quả cho vài lần thở phào vì đưa vitamin vào bụng con thành công (thật ra có ra ngoài một nửa) là con sợ khi ngửi thấy mùi vitamin. Cả hai cùng ngả ngựa.

Chuyện ăn

Với chuyện này mẹ tự đánh giá là mình kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Mẹ biết tôn trọng cái dạ dày của con. Dù thi thoảng con vẫn đòi trèo ra khỏi ghế để chơi mặc dù mới ăn chưa tới một nửa. Trộm vía cho đến hiện tại con đã vượt qua hoặc chưa tới thời kỳ biến ăn sinh lí dài hạn. Việc mẹ có thể làm duy nhất là giữ và động viên bà ngoại giúp con có những bữa ăn vui vẻ. Và giữ cho tâm bà ngoại an những hôm con không ăn. Hình ảnh con cầm chiếc nĩa găm những cuộn cơm cuộn bé xinh cho vào miệng nhai nhóp nhép đáng yêu biết nhường nào.

Thật ra mẹ phải cảm ơn cô Linh Phan vì những kiến thức cô ấy chia sẻ trong việc làm bố mẹ. Điều mẹ nhớ nhất đó là “nếu bạn biết sẽ luôn thất bại trong cuộc chiến với con thì hãy cố gắng đừng tạo ra cuộc chiến”. Và cả khi hỏi con “nuôi con không phải cuộc chiến thì là cuộc gì hả Trip?”, đột nhiên mẹ có luôn câu trả lời “Đó là cuộc tình” hihi, mẹ Ngân thông minh quá.

Bố mẹ đã rút quân khỏi cuộc chiến như thế nào?

Chuyện đi poo poo

 

Thiền

“Em mệt rồi, Sếp ơi”

Mấy hôm nay, công việc và gia đình làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi như bị phân mảnh để giải quyết các vấn đề. Như ngày hôm qua tôi cảm tưởng mình một tay chống lại cả thế giới. Tôi thấy tù túng khi đến nơi làm việc. Tôi như đang trốn chạy việc phải đối mặt với món nợ khổng lồ của ba mẹ hiện tại. Nếu như trước đây tôi đã kể cho chồng nghe, nhưng hôm qua tôi lại chọn giải pháp im lặng. Tôi không lây lan những phiền muộn sang người thân yêu của tôi.

Tôi biết đến khóa học mini-MBA sắp tới được tập đoàn tổ chức. Như điều tôi tìm kiếm bấy lâu đang đến ngay trước mắt tôi. Tôi hỏi quản lý phòng nhân sự nhưng qua hành vi của anh tôi nghĩ anh đang không muốn thông tin này sẽ đến nhân viên. Hôm qua được tin chỉ còn một ngày để đăng ký, tôi lại hỏi anh một lần nữa, nhưng anh vẫn không trả lời. Tôi email cho người đăng tin ở tập đoàn thì chị ấy gửi ngược lại và nhờ phòng nhân sự bệnh viện phản hồi. Và tôi được tiếng “vượt cấp”. Anh không nói trực tiếp với tôi mà thông qua bạn cùng phòng của tôi.

Trong thời gian gần đây, tôi bắt đầu rõ ràng hơn trong công việc. Sẵn sàng từ chối nếu tôi biết người đó có khả năng làm được nhưng vẫn muốn nhờ sự giúp đỡ của người khác. Và tất nhiên thay vì sự vui vẻ trước kia họ quay sang khó chịu với tôi. Đó là lỗi của tôi. Vì tôi đã vô tình làm cho họ mặc định rằng “giúp đỡ là bổn phận của tôi”. Có thể thời gian này và thời gian sau sẽ vẫn tiếp tục như thế. Nhưng tôi chấp nhận vì tôi biết mình phải lựa chọn làm gì tốt cho mình nhất.

Nhưng có một người tôi vẫn chưa rõ ràng được, đó là Sếp tôi – người kiêm nhiệm nhiều khoa phòng. Chẳng biết từ bao giờ, công việc không trực thuộc khoa phòng mình nhưng tôi phải là người cán đán chính trong khi tuyển dụng nhân sự cho vị trí đó không hiệu quả. Tôi không sợ một người sếp khó tính. Tôi sợ một người sếp không rõ ràng, quyết đoán trong công việc và cũng không biết định hướng phát triển. Và tất nhiên cũng chưa đảm bảo được quyền lợi cho nhân viên mình. Và tôi cũng gặp khó khăn khi làm việc với người trên cấp lo vun vén cho riêng mình. Nhưng điều tôi sợ nhất là bản thân mình. Tôi sợ một ngày nào đó tôi cũng thay đổi, trở nên xấu xa.

Có lẽ nào tôi đang lên nhầm chiếc thang cuốn. Bước lên trên đường thang xuống. Nếu công việc trước kia tôi chỉ cần một công việc không quan trọng Sếp thì khi sang nơi đây tôi đã cân nhắc kỹ để lựa chọn. Nhưng kết quả người phỏng vấn tôi, người cho tôi động lực để lựa chọn nơi đây lại không làm việc cùng tôi. Và hiện tại người đấy cũng đã chuyến đến một nơi khác. Bao nhiêu kỳ vọng của anh đã từng chia sẻ làm tôi hứng thú, chưa một điều thành hiện thực.

Ở nơi đây, tôi đang bí bách.

Chồng rủ đi chơi cùng. Nhưng nhìn mớ bòng bong công việc hiện tại tôi không biết phải làm sao để tách ra.

May là đợt này tôi có đang đọc cuốn sách “Nghiện giấc mơ, bơ lối mòn” của anh Hiếu. Những cung đường anh đi để buông bỏ những phiền muộn, tìm về với chính mình và hướng về tương lai. Tôi cũng tập lắng lòng theo anh.

Đang viết những dòng này tôi lại nhớ bà chị già COO ấy. Trêu “khi nào đi site khác hú em đi với”, chị nhẹ nhàng nhắn hai chữ làm lòng tôi hồn nhiên trở lại “Dẹp mày”.

Đó, đó là người sếp tôi muốn đấy.

 

 

Vạch

Anh yêu vợ và anh cũng rất mong sớm có em bé.

Nhiều khi đến những nơi công cộng, nhìn thấy những em bé nũng nịu trên vòng tay ba mẹ tôi cứ chăm chú nhìn thích thú. Nhưng rồi tôi nhớ đến người đồng hành bên mình, tôi thấy hơi chạnh lòng. Anh luôn sẵn sàng cho khởi đầu mới này nhưng tôi thì chưa.

Tôi ích kỉ vì còn muốn nhiều điều và tôi vẫn chưa muốn có con thời điểm này. Cũng có lý do khách quan là cơ thể tôi không khỏe – dường như nó chẳng hấp thu các chất dinh dưỡng tôi đưa vào. Nhưng chủ yếu vẫn là chủ quan từ phía tôi.

Lúc đầu chúng tôi hay giận nhau vì tranh luận này. Tôi cho rằng anh không thương tôi, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nhưng dần về sau, tôi nghĩ thoáng hơn và tôi biết mình phải làm gì. Tôi học cách yêu anh. Điều mà tôi những tưởng đó là lẽ đương nhiên nhưng thật ra nó cần phải có sự nỗ lực. Khi đó, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với cả hai. Thật may mắn vì tôi đã không nhận ra điều đó quá muộn.

Thời gian này cơ thể tôi có nhiều dấu hiệu bất thường. Thi thoảng tôi cảm thấy khó thở nhẹ. Và còn có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi. Tôi nghĩ mình có vẫn đề về phụ khoa, tiêu hóa. Nhưng tôi thật sự ít có niềm tin nơi tôi làm việc nên tôi không thăm khám tại đây. Tôi chờ. Và quyết định sáng hôm sau tôi sẽ đi khám. Để loại trừ một khả năng, tôi quyết định nhờ anh mua que thử. Đó là que thử đầu tiên trong đời của cả hai vợ chồng.

Tôi không ngờ một chiếc que bé tý mà có sức mạnh to lớn đến thế. Anh vui lắm. Anh suy luận nhiều thứ để khẳng định kết quả có thai là rất cao. Tôi sợ anh buồn nên cố gắng điềm tĩnh.

Đêm đó tôi thao thức nhiều lắm. Một hay hai vạch đều làm tôi băng khoăng. Nhưng thật sự lần này tôi mong sẽ là hai. Tôi còn mơ thấy mình thử que trong giấc mơ, nó mơ hồ kết quả. Và anh còn hào hứng sẽ đọc kết quả hộ.

Cuối cùng trời cũng sáng. Anh vẫn lẳng lặng trên giường. Tôi một mình xuống gác. Vốn dĩ là đứa mê ngủ, thường sáng anh phải gọi mấy “chuyến đò” tôi mới mắt nhắm mắt mở lò dò dậy đi thay quần áo đi làm. Sáng, tôi tự bật dậy nhưng vẫn mắt nhắm mắt mở như thường. Sợ mình lại hậu đậu hư bột hư đường tôi rất chi là cẩn thận từng bước một.

Nước đang dần di chuyển lên que thử. Một vạch hồng hồng dần hiện ra. Đợi một lúc tôi gọi với “chồng ơi, có một vạch thôi à”. “Đợi thêm tí nữa vợ ơi.” Nếu có máy chụp lại khoảng khắc đấy của tôi chắc trông tội nghiệp lắm. Ngồi tay ôm chén nước, tay cầm que, mắt mở thao láo và ngồi đếm giây – chứ biết khi nào đủ năm phút. Lâu rồi tôi mới lại kỳ vọng nhiều đến thế.

MỘT VẠCH

Tôi lẳng lặng dọn dẹp. Và lại đi lên ngủ tiếp. Mới mấy hôm nhưng tôi cũng không nhớ lúc đó anh như thế nào. Vì tôi lại thèm ngủ. Ba giây sau lại ngáy o o.

Cảm giác lần đầu tiên đọc vạch trên que thử thật lạ.

Nhưng có một điều tôi còn quan ngại hơn, không biết cơ thể tôi đang có biến gì?

 

 

[Sách] Cứ đi để LỐI thành ĐƯỜNG

Tôi biết đế Phoenix Hồ qua những chia sẻ trên facebook. Đến giờ tôi vẫn thích thú vì những điều mình kết nối nhờ mạng xã hội. Tôi chưa có dịp gặp chị nhưng tôi học được nhiều điều từ những conn chữ của chị, những câu chuyện về bạn Gấu “đanh đá” nhà chị. Nên khi chị ra sách tôi đã không ngần ngại đặt mua để ủng hộ chị.

Mãi đến khi đọc những nữa cuốn sách tôi mới để ý đến bìa sách. Một ngọn hải đăng trên một chiếc bút chỉ đang vẽ LỐI thành ĐƯỜNG, rất ý nghĩa.

Ổn định

Thế hệ 8X, 9X được tiếp cận nhiều hơn với những tư tưởng của thời đại mới khi đó cách họ ứng phó với cuộc sống sẽ khác với thế hệ trước. Thương con cháu nên ông bà bố mẹ cũng như họ hàng vẫn luôn mặc định con cháu mình sẽ hạnh phúc khi đi theo con đường: tốt nghiệp cấp ba –> vào đại học –> có công việc làm ổn định. Những người trẻ vẫn vui sống với lựa chọn của mình nhưng khi trở về với gia đình, làng xóm đôi khi họ vẫn lung lay vì hai chữ “ổn định”. Và trong cuốn sách của mình, Phoenix chia sẻ một điều tôi rất thích.

“Điều quan trọng nhất không phải cố gắng để không thay đổi. Điều quan trọng nhất là tìm ra điểm bất biến trong thế giới hay thay đổi: đó là hiểu rõ bản thân.”

Bệnh “đọc”

Đọc sách của Phoenix tôi còn phát hiện ra một căn bệnh mình cũng bị vướng phải mà nó chưa từng tồn tại trong ý thức của tôi, đó là “đọc nhiều quá mà quên sống”.

Thất nghiệp và chuẩn bị hết thất nghiệp

Còn nếu bạn không biết mình muốn theo đuổi công việc gì thì cứ hãy thử tìm đến sách của Phoenix, câu trả lời ẩn chứa trong những bức thư trao đổi giữa chị và học trò của mình.

Giai đoạn FA tôi chưa từng trải qua. Thực tế lúc đó tuổi trẻ của chúng tôi chưa tồn tại khái niệm đó. Đến khi tôi biết đến thì có một chàng trai đã ở cạnh tôi từ lúc nào, và tất nhiên giờ anh ấy đã là bạn đời của tôi. Nhưng thất nghiệp thì tôi đã từng. Thất nghiệp không phải là không làm gì mà là chỉ làm những việc “tạm thời” để trông đợi ước mơ của mình hoặc là không biết mình đang muốn gì. Nếu được biết đến những điều Phoenix chia sẻ, chắc chắn khoảng thời gian đó của tôi đã đáng nhớ hơn. Cô em gái của tôi sắp tốt nghiệp, và tôi đang đọc để cùng cô ấy chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới của mình.

Đủ

Ghen tỵ là điều rất thường gặp trong cuộc sống. Những điều như “bạn chỉ thấy phần nổi của những hạnh phúc khi họ thành công, phần vất vả để đạt được điều ấy bạn không hề thấy” phần nào giúp tôi giảm đi việc ghen tỵ ấy. Nhưng chia sẻ của Phoenix đã giúp tôi vẹn toàn hơn.

“Điều nguy hiểm nhất cuộc đời là cái gì cũng muốn, mà không biết vì sao mình muốn vậy, cũng như không hiểu rằng chưa chắc bản thân mình đã xứng đáng hay có đủ sức để đạt được ước muốn ấy.”

Tuy ít nhưng những điều rút ra từ sách của Phoenix cũng đủ cho tôi.

Cảm ơn!

#Book #Career

 

Nếu tôi có một người Sếp ở đây, thì đó là chị

Chị ấy hơn tôi gần hẳn một giáp. Cao hơn tôi. Đen hơn tôi. Và “lầy” hơn tôi bội lần.

Chị ấy là người tôi thiện cảm nhất khi sang môi trường mới, cho đến tận bây giờ khi hơn 11 tháng đã đi qua.

Chị không là Sếp trực tiếp của tôi nhưng lại bảo ban, che chở cho tôi nhiều nhất. Và chắc cũng là người duy nhất thấy những giọt nước mắt rưng rưng của tôi lúc tôi bị ức chế thần chưởng.

Chị dạy 

Phong cách lãnh đạo của chị khá giống với Sếp cũ của tôi, đó là mỗi khi tôi hỏi điều gì là y như rằng tôi chính là người sẽ giải đáp cho câu hỏi của chính mình. Kiểu dẫn dắt quá tài tình.

Còn lắm lúc được hỏi lại, thể nào tôi cũng lan man khi trả lời, chị chốt lẹ lắm “Em có hiểu câu hỏi của chị không?”. Lập tức quay đầu liền “Ah! bla bla”. Nhanh gọn cực. Tôi học được chiêu này của chị, về ứng dụng với bạn cùng phòng ngay.

Chị “kết dính”

Được vài hôm. Chị hốt nguyên ổ 3 đứa lơ mơ mới vào bệnh viện để dẫn đi chào phòng. Trong đó có tôi. Đến đâu mọi người cũng niềm nở chào đón chị. Dẫu chị cũng mới vào trước tôi có 5 tháng. Và đến đâu chị cũng luôn thêm vào “có gì mọi người chỉ dẫn cho sấp nhỏ nhà em nhé!”.

Trong những cuộc họp căng thẳng, chị thường mĩm cười và biến mọi chuyện trở nên hóm hỉnh, dễ thở. Nhờ thế da mặt mọi người đỡ căng hơn. Rồi đâu sẽ vào đó.

Mỗi lần ăn chơi gì, tầng 4 chị không để đứa nào lạc lõng. Và tất nhiên, không tên nào có cơ hội ấy khi bị chị trêu. Bởi mới nói độ “lầy” của chị hơn tôi bội lần. Và kể cả các bác trên xe, khi kể chuyện chi chị cũng dễ hưởng ứng để cùng vui.

Mỗi khi có ai đó góp ý không hài lòng về chúng tôi. Chị thường tế nhị, nhẹ nhàng hỏi thăm “xem chúng tôi có vấn đề gì không”. Và động viên.

Chị giỏi giấu

Công việc khi chị cán đán ở nơi đây thật sự rất áp lực. Và với chức vụ của chị không thể tự quyết mọi việc. Khi ở dưới hối lên, ở trên đòi xuống. Nhưng chị không thể làm được gì hơn. Chị buồn. Nhưng không để ai thấu được nỗi niềm ấy của chị.

Một ngày như mọi ngày, tôi hay tin chị sắp chuyển sang chi nhánh mới của công ty.

Nghẹn.

Những ngày tháng tiếp đó cứ cảm giác bồi hồi khó tả. Để rồi một hôm khác hay tin, “chị không cần phải đi nữa”. Ố la la. Cảm giác mừng còn hơn lúc tôi được báo đậu phỏng vấn.

Nhưng lại một lần nữa, niềm vui không kéo dài quá lâu. Chị vẫn phải đi vì nơi đó đang cần chị. Vết thương hở lại thêm lần sát muối.

Chiều hôm nay. Khi nỗi buồn vương vấn tâm trí tôi. Tôi lại nhớ chị da diết. Giờ này chị đang bận đi “cào tuyết” ở xứ cờ hoa ^^. Tôi biết đây là những ngày tháng hạnh phúc và đáng nhớ của chị. Chỉ sợ dòng tin nhắn của tôi lại làm chị trĩu lòng. Chỉ muốn chị biết là “Tôi nhớ chị”.

Tôi mong bà chị COO của chúng tôi sẽ mạnh khỏe và mãi lầy ❤

my coo