“Chách!” tay mình đánh khẽ vào bàn tay nhỏ xíu của bạn heo khi bạn đang loay hoay cho đồ chơi vào miệng. Mình nghiêm mặt “đồ chơi ẹ, sao lại cho vào miệng”.
Ngay lập tức, bạn òa khóc và mếu “Trip đánh mẹ”, tay bạn thì vung ngay về phía mình.
Đám mây đen như đổ xầm xuống đầu mình.
Trong kí ức của mình khi lớn lên cùng những em nhỏ tầm tuổi Trip hay lớn hơn, thi thoảng sẽ có những lần bố/ mẹ nổi giận và quát “đồ mất dạy, sao dám đánh người lớn!”. Và cũng chứng kiến cảnh khi người lớn đang cầm roi dạy bảo thì bạn nhỏ sẽ đánh với lại. Lúc ấy mình cũng chỉ nghĩ được “sao em ấy hư thế nhỉ, sao lại đánh lại người lớn nhỉ”.
Cách đây không lâu một cô bạn đồng nghiệp hỏi mình “Ở nhà Trip sợ bố hay mẹ hơn? Chị có la Trip không?” Mình khựng lại một nhịp rồi tự hỏi tại sao con phải sợ một ai đó và sao mình phải la một đứa bé chứ. Vì thật ra từ trước đến giờ, “la con” là điều mình không nghĩ tới. Và tất nhiên, việc đánh con cũng chưa bao giờ nằm trong từ điển của mình.
Vậy đâu là khác biệt giữa mình và những người lớn nổi giận.
Có phải Trip là chú robot răm rắp làm theo mọi yêu cầu của mình? Hay mình là một người mẹ quá hiền lành?
Mình không nghĩ thế.
Mãi đến giờ mình mới nhận ra đó là chưa đến thời điểm tên nhóc của mình kéo căng giới hạn của người lớn mà thôi.
Dù mình mới dặn là đồ chơi chỉ chơi, không cho vào miệng. Năm phút sau, đã lục đục thấy chuẩn bị gặm nhấm. Bất giác mình đưa tay chặn hành động đó ngay lập tức. Không chỉ chặn mà là đánh làm đau con. Tay của mình là đã thực thi nhanh hơn cả suy nghĩ của mình. Bị làm đau và làm sợ nên con dừng lại ngay. Hành động của mình không làm mình thỏa mãn vì đã ngăn một việc làm không tốt của con mà làm mình thấy “đau”. Mình đau vì mình đã không kiểm soát được bản thân. Bất giác trong phút chốc mình đã đánh rơi một bài học quan trọng.
Có một chia sẻ từ một mẹ trẻ, mình đã gói vào hành trang “làm mẹ” cho mình từ lúc sinh Trip ra. Lần nọ, con bạn ấy có hành động đánh người lớn, thay cho việc mắng và đánh con, bạn chọn cách nắm lấy bàn tay bé bỏng ấy và hôn. Người mẹ cảm hóa sự bốc đồng của một đứa bé bằng sự dịu dàng. Như chiếc gương phản chiếu, nhóc con ấy đã bớt sự hung hăng hay làm những trò vui không phù hợp trong mắt người lớn.
Mình tin điều này không? Tin chứ, mình rất tin và cũng không đòi hỏi một thí nghiệm nào thêm. Sau cái phản ứng “ngay lập tức” của Trip, mình đã ôm con và xin lỗi. Nhóc cũng khóc một lúc cho bỏ ấm ức rồi mới tha lỗi cho mẹ, dù là lỗi của cả hai.
Nhìn lại, sẽ thật khó nếu ép bản thân chối bỏ cảm xúc tức giận khi sự việc không như ý muốn. Vâng, mình cũng không cố tìm cách. Cảm xúc là điều đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng. Mình chỉ học cách hiểu tâm lý của một đứa trẻ thêm một chút. Và luôn nhắc nhở, con sẽ luôn học theo mọi hành xử của người lớn một cách không chọn lọc.
Nhưng có cách nào giúp người lớn sống sót trong những thời điểm giới hạn bị thách thức không? Mình có 03 bước gợi ý:
- Hít thở sâu: hít phình bụng to đến mức có thể, thở ra từ từ trong 3 tiếng đếm ngược (nếu vẫn còn trong khả năng chịu đựng thì bỏ qua bước này)
- Ngồi xuống ngang tầm và nhìn vào mắt con
- Tâm sự với con (1. Hỏi mong muốn của con, 2. “Vờ” đồng cảm với mong muốn của con, 3. Thỏa thuận/ thông báo về mối nguy hiểm). Chân thành nhưng cũng phải sài chiêu thì cuộc tâm sự mới không đi vào lòng đất.
P/s 1: Tối qua, mình nghe tiếng “chách” vào mông bởi ai đó khi tên nhóc không chịu ngồi poo poo. Mình ghim đó nha.
P/s 2: Để một đứa trẻ ăn được thịt mỡ hay sầu riêng, bạn không nhất thiết phải là tấm gương phản chiếu hai phạm trù này. Mình đã dày công nghiên cứu và đã tìm ra được chân lý, hãy tin mình. Và nếu chân lý này không đúng trong trường hợp nhà bạn thì cũng hãy yên tâm, đứa trẻ nào rồi cũng lớn và ít nhất sẽ cao bằng mình (xém tí là cô gái m52 trong thơ ca).